1. Đặt vấn đề
Thực chất của việc dạy/học một ngoại ngữ là dạy/học các kiến thức ngôn ngữ và đặc biệt là các kĩ năng thực hành giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) để người học có thể sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giao tiếp nói hoặc viết theo nhu cầu cá nhân, xã hội-nghề nghiệp. Các kĩ năng thực hành có mối liên hệ khăng khít, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Để thực hành tốt một ngoại ngữ, không thể chỉ chú trọng kĩ năng này mà coi nhẹ kĩ năng kia. Tuy nhiên, mỗi kĩ năng đều có những đặc điểm riêng biệt đòi hỏi phải tính đến và nghiên cứu kĩ lưỡng để có thể nâng cao hiệu quả chung của việc dạy/học ngoại ngữ. Ngày nay, các nhà giáo học pháp ngoại ngữ đều thống nhất rằng dạy một ngoại ngữ trước hết là phải cung cấp cho học viên những phương tiện giao tiếp bằng lời, rèn luyện cho họ kĩ năng thực hành nghe, nói trong thứ tiếng đó. Song thực trạng của việc dạy/học các môn nghe, nói thế nào? Tác giả bài viết này mong muốn trao đổi cùng đồng nghiệp một số suy nghĩ về việc dạy/học nghe hiểu nhằm góp phần nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy các bài nghe hiểu trong giáo trình Tiếng Anh thương mại Market Leader tại Trường Đại học Ngoại Thương – cơ sở II tại Tp. Hồ Chí Minh. 2. Thực trạng và một số trở ngại trong quá trình nghe hiểu Tiếng Anh đối với sinh viên Đại học Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh
Một thực tế trong việc giảng dạy các kĩ năng tiếng Anh nói chung và kĩ năng nghe hiểu nói riêng tại trường Đại học Ngoại Thương là, do những đặc thù của môn học là Tiếng Anh chuyên ngành kinh tế - thương mại, giáo viên phải dành rất nhiều thời gian trước khi lên lớp, đặc biệt là để chuẩn bị cho một bài dạy nghe và trên lớp phải tập trung chú ý hơn mức bình thường mà vẫn không cảm thấy thoả mãn về chất lượng bài dạy; còn sinh viên,nhất là các sinh viên khối A, thì rất ngại nếu không muốn nói là sợ